Phút trải lòng khi mở xưởng xe hơi: bóc trần câu thực tế
Những năm trở lại đây, việc mở xưởng xe hơi mọc lên “như nấm sâu mưa” do nhu cầu sử dụng xe của người dân ngày càng tăng cao. Nhìn vào thì ai cũng nghĩ việc mở gara khá đơn giản và kiếm được rất nhiều tiền.
Chỉ cần sửa chỗ này một chút, chỗ kia một chút là đã có thể dễ dàng đút túi tiền triệu. Nhưng sự thật liệu có phải như vậy? Hãy cùng VATC chúng tôi đọc qua những lời trải lòng của một thanh niên từ thợ sửa chữa, quyết định tự tách ra và mở gara riêng cho mình sau đây!
Tâm sự chuyện mở xưởng xe hơi
Sau hơn 3 năm làm công việc của một thợ sửa chữa ô tô, bản thân cảm thấy mình đã sở hữu đầy đủ kỹ năng sửa chữa và cảm thấy việc vận hành và quản lý một gara cũng không quá khó, nên quyết định đứng ra để xây dựng một gara riêng.
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu công việc thì tôi mới nhận ra rằng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Nó thực sự là một con đường đầy gian nan và vất vả.
Lúc trước, khi chưa theo nghề sửa chữa ô tô, cứ nhìn thấy quá trình sửa chữa của người khác là bình phẩm, chỗ này chưa được, chỗ kia đang còn thiếu… Khi tự mình đứng ra mở xưởng xe hơi mới thấm cái cảm giác chai mặt đi nghe khách hàng chê bai, góp ý là gì. Đã vậy còn phải mong khách hàng nhận xét về những điểm chưa tốt để khắc phục.
Trước thì nhìn mọi thứ trông cực kỳ đơn giản, trong đầu luôn suy nghĩ rằng có nhiêu đây phẩy phẩy một chút là xong. Giờ bắt tay vào làm thì mới thấy nó có nhiều vấn đề đến nhường nào. Bởi chỉ cần sửa sai một chút là phải tự bỏ tiền túi ra mà đền, bỏ thời gian ra mà để khắc phục.
Đụng sai ở đâu là mất tiền chỗ đó! Đơn giản như khi sửa chữa quên vặn một con ốc bên trong thôi, thì đã phải tháo rời nguyên cả bộ phận ra để làm. Hãy muốn in một cái biển, logo của gara để trong gara trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt khách hàng. Thế mà in sai một chữ thôi là quăng luôn cả cái biển.
Xem ngay: Chi phí mở gara ô tô chi tiết
Rồi tới việc quản lý nhân sự. Trước cứ nghĩ khi mở xưởng xe hơi để làm chủ, chỉ cần “chỉ tay năm ngón”, điều động nhân viên làm tất cả mọi thứ và cuối tháng chỉ cần tính toán tiền thu và chi là được. Nhưng thực tế thì lại khác hoàn toàn, bản thân vào lao vào làm việc thật chăm chỉ thì nhân viên mới thấy thế mà noi theo, hay đơn giản là tiền không đủ thuê nhân công nên mình phải làm thêm để giảm chi phí duy trì gara.
Thế là trong suốt thời gian đầu phải hùng hục vào làm, bởi mình không làm thì không ai làm, mình không làm thì tiền đâu mà thuê nhân viên. Ngoài ra, vốn đổ vào để mở một gara ô tô không phải ít. Nên nếu mình không chịu “lăn xả” thì tiền đâu mà trả nợ.
Còn sau khi gara đã hoạt động được một thời gian, lượng khách hàng ra vào gara đã ổn định, thì lúc đó mới dám nghĩ tới việc thuê nhân viên.
Có những lúc gặp lại bạn bè cũ làm công sở, lúc nào chúng nó cũng khen mình giỏi giang, sung sướng, là chủ rồi thì chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng”. Những lúc ấy chỉ biết cười trừ, bởi công việc của chúng bạn thường chỉ là 8 tiếng một ngày, còn mình thì làm một ngày tận 10 – 12 tiếng, thậm chí là 14 – 16 tiếng/ngày để kịp bàn giao xe cho khách hàng đúng thời hạn. Những lúc công việc thuận lợi, không có sai sót gì được ngủ sớm 1 giấc là sướng lắm.
Mở xưởng xe hơi rồi mới nhận ra rằng, “cái tôi” của bản thân thật chất chẳng đáng là gì hết. Khách hàng và nhà cung cấp luôn được ưu tiên hàng đầu, cho dù có bị phàn nàn hay thậm chí là mắng chửi thì cũng phải luôn cười tươi, niềm nở để làm hài lòng tất cả.
Mệt mỏi là vậy, vất vả là vậy, nhưng đổi lại khi nhìn thấy gara ngày càng phát triển thì bản thân lại cảm thấy tràn đầy năng lượng tích cực, lại càng muốn vùi đầu vào công việc hơn.
Đó là sự mạnh mẽ và những đồng tiền kiếm được sau nhiều lần “ngu”, nhiều lần trải nghiệm để có được biện pháp kinh doanh, quản lý gara ô tô tốt hơn.
Kết luận:
Việc mở xưởng xe hơi chưa bao giờ là đơn giản như chúng ta đang nghĩ, bởi còn biết bao nhiêu khó khăn mà 1 dân kỹ thuật trở thành 1 dân kinh doanh thực thụ. Vậy nên, bạn có thể tham khảo ngay: Kiến thức quản trị gara ô tô.
Source: agara.vn