Hướng dẫn sử dụng đồng hồ Vom từ cơ bản tới nâng cao, 100% thực tế
Đối với dân điện tử, máy đo là “con mắt thứ ba” của người thợ, chúng ta biết khái niệm “chạy” trong thế giới cơ học với các hệ truyền động, khi nói đến máy chạy là chúng ta có thể dùng mắt thịt nhìn thấy các chuyển động của các bánh xe, nhưng trong thế giới của môn điện tử, khi nói đến mạch chạy, chúng ta không thể dùng mắt thịt thấy được sự chuyển động của các dòng điện electron chảy “ào ào” trong các nhánh của các mạch điện mà phải nhìn nó qua các loại máy đo. Do đó, người thợ không thể không biết dùng máy đo, Bạn còn phải biết dùng máy đo thật thuần thục nữa, khi đó xem như Bạn đã “khai nhãn, mở được con mắt điện tử” và có thể “nhìn thấy” trong mạch chổ nào mạch thông, chổ nào mạch bị tắt và công việc lắp ráp, sửa chữa các loại mạch điện, thiết bị điện tử của Bạn sẽ dễ dàng hơn. Trong phần mục này tôi nói chi tiết về cách dùng loại máy đo VOM thông dụng.
Hình trên cho thấy các thành phần cơ bản của một máy đo VOM. Quy trình dùng máy đo như sau:
Trước hết, Bạn phải biết mình muốn đo “cái gì”. Nếu đo Ohm thì chọn thang đo Ohm, nếu đo volt thì chọn thanh đo volt và nếu đo dòng thì chọn thang đo dòng… Luôn luôn phải xuất phát từ “ý tưởng mình muốn đo cái gì” rồi chọn thang đo cho phù hợp. Tránh vô ý để thang đo Ohm mà lại đi đo volt AC, sự vô ý này sẽ làm cháy máy đo, không thể để thang đo dòng mà đi đo volt…
Sau đó, Bạn phải đoán trước kết quả, có nghĩa là xác định được vị trí dừng của kim. Thí dụ: Khi đo Ohm, kiểm tra một điện trở 20 Ohm, Bạn thấy trước là kim sẽ dừng ở vạcvh giữa, tức vạch 20 Ohm, và khi thực hiện phép đo, kim dừng nagy vị trí mà mình đã đoán trước thế là điện trở tốt…
Giải thích các ghi chú trong hình:
* Nút chỉnh kim ở vị trí 0: Khi Bạn đặt máy đo nằm yên trên bàn, kim phải về chỉ ngay vạch 0, nếu không, thì Bạn phải dùng vít chỉnh thật nhẹ tay con ốc trên máy đo để đưa kim về chỉ vạch 0. Khi Bạn thử 2 lò xo của khung quay máy đo VOM, Bạn đặt máy đo nằm nghiêng, lắc nhẹ, kim sau một vài dao động phải về chỉ vạch 0: Kết luận máy đo tốt. Nếu kim bị “xệ” nó sẽ lệch ra khỏi vạch 0, như vậy 2 lò xo đã không cân.
* Nút chỉnh mức 0 Ohm: Khi Bạn dùng VOM ở các thang đo Ohm, theo quy định khi Bạn chập cho chạm 2 đầu kim lại thì kim phải chỉ ngay vạch 0 Ohm, nếu không, Bạn chỉnh nút 0 Ohm, đưa kim về chỉ ngay vạch 0 OHM, điều này chỉ cần chỉnh một lần trên một thang đo, nghĩa là chỉ khi nào Bạn đổi qua các thang đo Ohm khác Bạn mới phải chỉnh lại kim về vạch 0 Ohm.
Chú ý: Khi máy đo Ohm đặt ở thang đo Rx1, lúc này dòng chảy ra vào trên dây đo sẽ rất lớn, lớn nhất là 150mA, nếu Bạn chập kim 2 dây đo mà không đưa được kim về chỉ vạch 0 Ohm, dấu hiệu này cho biết 2 pin 1.5V trong máy đo đã yếu, Bạn hãy thay Pin mới. Bạn cũng nhớ khi không dùng máy đo nữa thì tốt nhất trả nút xoay về vị trí OFF để khóa kim, không để máy đo ở thang đo Ohm, vì như vậy nếu vô ý để 2 đầu kim chạm nhau, sẽ làm hao Pin trong máy đo.
* Đo volt AC có tụ cách ly DC: Khi Bạn đo điện áp xoay chiều, hay đo volt AC, nút xoay đặt ở các thang đo AC. Lúc này nếu Bạn dùng dây đo màu đỏ cho cắm ở lỗ OUTPUT, mức áp DC có trên các điểm đo sẽ bị “cắt, bị cách ly không vào được máy đo”, vì ở lỗ cắm OUTPUT có dùng tụ cách ly DC. Bạn nên dùng lỗ cắm này khi chỉ muốn đo thành phần tín hiệu, không muốn chịu ảnh hưởng của mức áp phân cực DC luôn có trên các điểm đo trong các mạch điện. Bạn nhớ: Khi đo volt AC dùng 2 lỗ cắm đen/đỏ thông thường, phép đo volt AC này sẽ bị sai nếu trên điểm đo có thành phần DC.
* Đo dòng lớn 2.5A: Khi Bạn dùng máy đo để đo cường độ dòng điện lớn, trên 1 hay 2A, Bạn đặt nút xoay ở vị trí 2.5A và lúc này nhớ dây đo màu đỏ phải cắm ở lỗ 2.5A, vì khi đo dòng lớn, người ta phải dùng điện trở shunt rất nhỏ Ohm và điện trở này phải hàn cố định trên 2 dây đo, không thể dùng tiếp điểm của nút xoay vì nó không đủ nhỏ Ohm nên sẽ làm hư điện kế khung. Bạn nhớ: Trong tất cả các máy đo VOM, khi đo cường độ dòng điện lớn, Bạn đều phải dùng lỗ cắm khác với 2 lỗ cắm thông thường.
* Thang đo volt DC: Khi Bạn đo volt DC Bạn đặt nút xoay trên các thang đo volt DC. Với các mức volt DC chưa biết, Bạn nên khởi đầu ở các thang đo volt DC lớn, khi muốn xét dấu âm dương của mức áp DC Bạn cũng dùng thang đo lớn, vì nếu để thang đo nhỏ, nếu đo ngược dấu sai cực, kim sẽ đập quá mạnh có thể làm cong kim. Với mạch điện có nguồn nuôi là 9V, Bạn dùng thang đo 10V là hợp lý. Bạn nhớ: Lấy thang đo volt DC càng lớn, nội trở của máy đo sẽ càng lớn, như vậy phép đo volt, vốn dùng cách mắc song song vào mạch đo, sẽ chính xác hơn.
* Thang đo volt AC: Khi Bạn đo volt AC Bạn đặt nút xoay trên các thang đo AC. Với các mức volt AC chưa biết, Bạn nên khởi đầu ở các thang đo vot AC lớn. Bạn nhớ kết quả đo volt AC chỉ chính xác khi: (1) Trên điểm đo không chứa thành phần phân cực DC, (2) Tín hiệu đo phải có dạng sin và ở tần số là 50Hz. Khi không thỏa 2 điều kiện này, phép đo volt AC của VOM sẽ không chính xác, chỉ mang tính định tính hơn là định lượng. bạn cũng nên nhớ người ta chia vạch volt AC theo mức áp hiệu dụng.
Theo kinh ngiệm của tôi: Nếu không cần thiết, Bạn hạn chế đo volt AC điện nhà đèn, vì mức áp cao 220V dễ làm hư máy đo do dùng lâu ngày bị rĩ mạch in tạo ra sự phóng điện làm cháy mạch in làm hư máy đo. Như vậy dùng lâu ngày Bạn cũng nên làm sạch các điểm đo, tránh rĩ điện dễ làm hư máy đo.
* Thang đo Ohm và đo hệ số HFE: Đo Ohm là phép đo rất thường dùng. Khi đo Ohm Bạn dùng nguồn pin 3V hay 12V có trong máy đo để bơm dòng qua vật đo và làm lệch kim. Bạn chỉ đo Ohm trên các vật đo không có điện, như khi đo Ohm các thiết bị điện tử, Bạn phải tắt điện. Khi đo Ohm Bạn phải nhớ các điều sau:
Điều 1: Dây đo màu đỏ nối vào cực âm của nguồn pin, nên dòng electron sẽ chảy ra trên dây đỏ. Dây đo màu đen sẽ nối vào cực dương của nguồn pin nên dòng điện tử sẽ bị hút vào trên dây đen.
Điều 2: Mỗi khi đổi thang đo Ohm, luôn nhớ cho chạm 2 đầu kim và chỉnh về vị trí 0 Ohm. Bạn lấy thang đo Ohm càng nhỏ dòng chảy ra trên dây đo càng lớn và ngược lại. Ở thang đo Rx1, dòng tối đa là 150mA, ở thang đo Rx10 dòng tối đa là 15mA, ở thang đo Rx100, dòng tối đa là 1.5mA…
Điều 3: Khi đo Ohm, với các vật đo tuyến tính, như: điện trở, chiết áp, cuộn dây… Bạn đọc kết quả trên vạch chia Ohm. Với các vật đo phi tuyến tính, như: diode, Led, transistor… Bạn đọc kết quả trên vạch chia LV để biết mức áp hiện có trên vật đo và vạch chia LI để biết cường độ dòng điện đang chảy qua vật đo.
Điều 4: Ở thang đo Rx10K, lúc này mức áp tối đa trên 2 dây đo là 12V (do pin 9V cộng với pin 3V) và ở các thang đo khác mức áp tối đa trên 2 dây đo là 3V.
* Đo hệ số HFE: Với các transistor bipolar, loại transistor có 2 mối nối pn, như transistor pnp hay npn, tỷ số dòng IC trên dòng IB gọi là hệ số khuếch đại dòng ß hay HFE. Muốn đo hệ số khuếch đại dòng của các transistor. Bạn phải: (1) Đặt ở thang đo Ohm Rx10, chạm kim chỉnh kim về 0 Ohm. (2) Cắm transistor npn hay pnp vào đúng loại và cắm đúng chân và đọc kết quả trên vạch chia HFE. Điều Bạn cần nhớ: Máy đo này chỉ dùng đo HFE của các transistor công suất nhỏ.
* Thang đo dòng: Khi Bạn muốn đo cường độ dòng điện, nút xoay đặt ở thang đo dòng, với các dòng điện chưa biết, nên chọn thang đo dòng lớn, đo dòng mắc nối tiếp vào mạch đo, dòng điện trong mạch sẽ chảy thẳng qua điện kế và làm lệch kim. Khi đo dòng chọn thang đo càng lớn, nội trở máy đo càng nhỏ, kết quả đo càng chính xác. Khi đo dòng, điều tối kỵ là đặt ở thang đo nhỏ mà đo dòng quá lớn sẽ làm hư máy đo. Bạn nhớ: Khi đo dòng lớn khoảng 1A hay 2A, Bạn phải dùng lỗ cắm 2.5A.
Ghi nhận: Dòng chảy trong mạch là biểu hiện mạch có hoạt động, do đó người thợ kiểm tra dòng điện chảy trong mạch là phép đo có kết luận rất cụ thể, tuy nhiên do khi đo dòng phải “cắt mạch” cho chèn máy đo vào nên công việc rất phiền phức, do đó người thợ ít dùng phép đo dòng, hơn nữa phép đo dòng dễ làm hư máy đo, nên khi dùng phép đo dòng Bạn phải rất cẩn thận.
Phân tích máy đo VOM qua các chú thích trong hình:
* Kính đọc kim: Bên dưới kim là mặt kính phản chiếu dùng để đọc kết quả chính xác. Khi đọc kết quả, vị trí nhìn kim của Bạn phải sao cho chỉ thấy một kim, nếu nhìn vào Bạn thấy 2 kim, một là kim thật hai là kim trên mặt kính, như vậy góc nhìn của Bạn đã bị lệch, kết quả sẽ không chính xác.
* Vị trí khóa kim: Khi Bạn bỏ máy đo VOM trong túi và di chuyển, trước đó Bạn nhớ đặt nút xoay ở ví trí OFF. Ở vị trí này, hai chân của điện kế khung quay đã cho ngắn mạch, điều này sẽ tạo ra dòng điện nghịch mỗi khi máy đo bị lắc, dòng điện ứng này sẽ chống lại sự rung động của kim và giữ an toàn cho điện kế khung quay.
* Đo Ohm:
Khi đo Ohm, Bạn dùng nguồn điện năng của pin có trong máy đo, cho bơm dòng qua vật đo, dòng điện tử chảy ra trên dây màu đỏ và chảy vào trên dây màu đen, dòng điện này chảy qua vật đo, như: điện trở, cuộn dây… và chảy qua điện kế khung quay làm lệch kim. Bạn đọc kết quả trên vạch chia Ohm. Đo Ohm là kiểm tra trị của các điện trở, kiểm tra trị của các cuộn dây…. Khi đo, Bạn chọn thang đo cho phù hợp, chập cây đo chỉnh kim về vị trí 0 Ohm và rồi tiên đoán vị trí dừng của kim, khi đặt điện trở vào 2 dây đo, nếu kim dừng đúng vị trí chờ đợi là điện trở tốt, nếu kim không lên thì điện trở đã bị đứt. Với điện trở khi hư nó thường tăng Ohm hay đứt.
Cấu tạo của Loa gồm có một cuộn dây, quen gọi là cuộn coil, gắn dính trên màn Loa và người ta cho đặt cuộn dây nằm trong khe của một nam châm, do vậy khi Bạn cấp dòng điện cho cuộn dây nó sẽ có từ tính và tương tác với nam châm vĩnh cửu tạo ra lực hút hay lực đẩy. Khi thử Loa Bạn dùng Ohm kế lấy thang đo Rx1 để có dòng điện chảy trên dây đo lớn, cho dòng điện này kích thích cuộn dây, nó sẽ làm rung màn Loa và phát ra tiếng kêu rột rẹt là Loa tốt. Kim không lên là cuộn dây hay dây nối đã bị đứt, kim lên mà màn không rung là cuộn dây đã bị kẹt trong khe, đo Ohm cuộn dây và thành vỏ của Loa, kim lên là cuộn dây bị tróc lớp cách điện và đã chạm vào thành Loa.
Muốn kiểm tra các ống nói kiểu điện động có còn tốt hay không, Bạn cũng “mượn dòng điện” của một Ohm kế cho kích thích cuộn dây nằm trong ống nói, khi cuộn dây này rung Bạn sẽ thấy kim lên và nghe tiếng rột rẹt. Điều cần nhớ là phải thấy thang đo Ohm lớn, như: Rx10 hay Rx100, để có dòng điện nhỏ, lấy dòng quá lớn có thể làm hư ống nói điện động. Bạn nhớ, nếu kích ống nói với dòng điện đủ nhỏ mà màn micro vẫn rung được là loại microphone có độ nhậy tốt.
Trường hợp thử microphone điện dung, Bạn phải dùng thang đo Rx10K để có mức áp lớn dùng phân cực cho ống nói điện dung, đo theo chiều thuận, nghĩa là dây đỏ ở trên vỏ và dây đen trên chân còn lại, kế đó “thổi mạnh” vào màn micro nếu thấy kim nhúc-nhíc là tốt. Trường hợp phân cực nghịch khi thổi vào màn micro, kim sẽ không nhúc-nhíc.
Với các diode, Bạn có thể dùng Ohm kế đo tính thuận nghịch để biết diode có còn tốt hay không. Khi đo thuận, lấy thang đo Rx1 để có dòng điện trên dây đo lớn. Chập kim chỉnh về 0 Ohm, và khi đo kim sẽ lên. Lúc này Bạn đọc kết quả trên vạch chia LI và LV để biết mức áp ghim trên diode. Nếu mức áp ghim là 0.6V là loại diode Si bình thường, nếu mức áp ghim là 0.2V đó là diode Schottky dùng ở các mạch điện có volt thấp. Khi đo nghịch, Bạn nên dùng thang Rx10K để có mức volt trên dây đo cao, đo nghịch kim phải không lên. Khi thử nhanh, Bạn chỉ cần chú ý: Đo thuận kim lên, đo nghịch kim không lên. 2 lần đo kim đều lên là diode chạm và 2 lần đo kim đều không lên là diode đứt.
Kiểm tra các Led. Vì Led cũng là diode, nên khi kiểm tra các Led cũng đo như các diode. Khi đo thuận, kim lên và Led sáng và khi đo nghịch kim không lên và Led không sáng. Bạn nhớ: Khi đo theo chiều thuận, ở thang đo Rx1 có dòng trên dây đo lớn, Bạn hãy xem kết quả trên vạch chia LV sẽ biết được mức ghim áp trên Led. Các Led thường có mức ghim áp trên dưới 2V, với các Led siêu sáng có mức ghim áp khoảng 3V. Khi đo thuận, Led không sáng là Led hư.
Transistor bipolar (2 mối nối) có 2 dạng: dạng pnp và dạng npn. Do mối nối pn là cấu tạo của một diode, nên transistor bipolar có thể xem như có 2 diode, diode ở chân BE và diode ở chân CB. Vậy muốn biết một transistor có tốt hay không, Bạn kiểm tra nhanh 2 diode này. Đo thuận nghịch diode BE và diode CB, nếu cả 2 diode này đều tốt là transistor tốt. Bạn nhớ: diode CB có mức áp đánh thủng thường rất cao, nên ở thang đo Rx10K, tuy mức áp trên máy đo Ohm là 12V kim cũng không lên, nhưng diode BE có mức áp đánh thủng thường thấp khoảng 10V, nên khi đo nghịch trên diode này, kim sẽ vẫn lên, lên ít vì dòng nhỏ. Chúng ta dùng đặc tính này của transistor để tìm ra chân E và chân C sau khi đã tìm ra chân B.
* Đo volt DC và AC:
Trên các đường mạch trong các mạch điện, luôn có 2 thành phần điện áp, đó là mức áp DC dùng để phân cực trạng thái tĩnh và mức áp tín hiệu ở dạng AC. Vậy để kiểm tra các mức áp phân cực DC, bạn dùng phép đo volt DC. Khi đo volt DC, dây đen cho chạm masse cũng là cực âm của pin, dây đỏ dùng đo mức volt trên các đường mạch. Tùy theo nguồn pin nuôi của mạch mà chúng ta chọn thang đo cho thích hợp. Với các mạch điện bán dẫn chạy mức áp thấp, chúng at thường dùng thang đo 10V là được. Chúng ta biết nội trở của máy đo Volt DC thay đổi theo thang đo, nên nếu lấy thang đo Volt DC thấp, máy đo có nội trở nhỏ sẽ làm sai nhiều kết quả đo. Khi mua máy đo Volt nên chọn loại máy đo có nội trở càng lớn càng tốt, hiện nay các máy đo thông dụng có nội trở là 20K/V, vậy nếu lấy thang đo 10V, nội trở của máy đo sẽ là 200K, với điện trở này Bạn không thể đo kiểm tra các mạch điện làm việc với dòng điện quá nhỏ, trong trường hợp này chúng ta phải dùng máy đo volt VTVM, với nội trở trên 11MegaOhm mới có kết quả chính xác.
Chúng ta biết, nguồn điện nhà đèn là điện xoay chiều, dạng Sin có tần số 50Hz. Để đo mức áp này, chúng ta cắm dây đo trên lỗ đen và đỏ, lấy thang đo AC, với mức áp chưa biết trước nên khởi đầu từ thang đo volt AC cao. Khi đo đọc kết quả trên các vạch chia Volt AC 0-10V cho thang 1000V, 0-50V cho thang 50V, 0-250V cho thang đo 250V và 0-10V cho thang đo 10V, ở thanh đo này nhất là với mức áp AC thấp, Bạn nên đọc kết quả trên vạch chia màu đỏ.
Chú ý: Một sơ sót mà giới thợ thường bị là khi đang dùng VOM ở thang đo Ohm để kiểm tra các linh kiện trong các thiết bị điện gia dụng, sau đó chuyển qua kiểm tra Volt nguồn AC mà không nhớ thay đổi nút xoay qua thang đo Volt AC, sơ ý này sẽ làm cháy các điện trở ở thang đo Ohm.
Bạn nhớ: chỉ dùng phép đo volt AC này trên các mạch đo không có thành phần điện áp DC. Khi kiểm tra mức volt AC trên các điểm đo có chứa thành phần điện áp phân cực DC, Bạn phải cắm dây đỏ trên lỗ OUTPUT, vì ở lỗ đo này bên trong máy đo có dùng tụ cách ly, dùng để cắt dòng DC, nhờ vậy kết quả đo mớ chính xác.
* Đo volt AC mức thấp:
Chúng ta biết, trên các chân C, chân B của các transistor thường vừa có tín hiệu AC và vừa có điện áp phân cực DC, hơn nữa biên độ tín hiệu AC trên các chân này thường rất nhỏ, do đó, khi muốn đo kiểm tra tín hiệu trên các điểm này, chúng ta thường dùng thang đo AC, lấy thang đo nhỏ, thường là thang đo 0-10V. Tuy nhiên khi đo, để tránh ảnh hưởng của mức volt DC dùng để phân cực, chúng ta cho dây đỏ cắm ở lỗ OUTPUT.
Nhắc Bạn: Thành phần tín hiệu AC đo trên các chân C, chân B của các transistor hay đo trên biến áp âm tần hay đo trên loa…đều là tín hiệu gần giống Sin và thường có tần số khá cao, do vậy khi dùng VOM kế với chức năng đo Volt AC đo các tín hiệu này, kết quả đọc trên các vạch chia không “có ý nghĩa định lượng”, nó chỉ nói lên là có tín hiệu hay không mà thôi, nó cho bviết tín hiệu lớn hay nhỏ, hoàn toàn mang ý nghĩa định tính. Vì sao? Vì các vạch chia dùng cho Volt AC là lấy theo trị hiệu dụng của một tín hiệu Sin, có tần số 50Hz.
Hình vẽ này cho thấy cách dùng máy đo Volt AC, thang đo thấp, với dây đỏ cắm ở lỗ OUTPUT để kiểm tra tín hiệu xuất hiện trong một mạch khuếch đại. Chúng ta biết, trong một mạch điện, tín hiệu là sự nhấp nhô lên xuống của mức volt trên mức Volt phân cực DC. Tín hiệu AC trong mạch luôn có điểm khởi phát và làn dần đến tải. Nếu đã nắm được đường đi của tín hiệu trong một mạch điện, chúng ta dễ dàng dùng Volt kế AC để “xác nhận sự có mặt của tín hiệu trên các điểm này”. Nếu đo tại điểm 4, kim lên là có tín hiệu và chuyển qua đo tại điểm 5, kim không lên là không có tín hiệu, vậy tụ liên lạc C2 hư hay có hở mạch. Nói cho cùng sửa máy là làm công việc tìm xem tín hiệu bị mất ở điểm nào, mất do lý do vì, nếu do linh kiện hư thay cái mới vào là xong, nếu do đứt mạch, hàn lại là được…Do vậy nếu biết dùng phép đo này, việc tìm chổ hỏng trong các thiết bị điện tử cũng không phải là công việc quá khó.
* LI cho biết dòng trên dây đo, LV cho biết áp trên dây đo:
Khi dùng Ohm kế đo, kiểm tra các linh kiện có tính phi tuyến, kết quả đọc trên thang đo Ohm là không có ý nghĩa thực tế, vì sao? Vì ở các thang đo Ohm khác kết quả đọc được sẽ khác nhau. Thí dụ: Khi đo một diode, Bạn sẽ thấy số Ohm đọc được trên thang đo Rx1 sẽ khác với số Ohm đọc được trên thang đo Rx10…Vì linh kiện phi tuyến có trị điện trở thay đổi theo cường độ dòng điện. Với các linh kiện phi tyuến, Bạn luôn phải lấy kết quả với một cặp số: đó là mức áp trên linh kiện ứng với cường độ dòng điện lúc đó. Do vậy Khi đo các diode, Bạn đọc kết quả trên vạch chia LI sẽ xác định được dòng điện chảy qua linh kiện và lấy kết quả trên vạch chia LV sẽ biết được mức áp giảm trên 2 chân của linh kiện. Vậy với Ohm kế có 4 thang đo, đó là Rx1, Rx10, Rx100 và Rx1K. Bạn sẽ có thể lấy được 4 cặp số ứng với 4 dòng điện, Bạn ghi 4 kết quả này lên đồ thị V và I, dùng viết kẻ đường cong qua 4 điểm này, Bạn sẽ có đường cong đặc tính của linh kiện, từ hình dạng của đường cong này, Bạn có thể biết được, đó là diode Si hay Ge, biết được công dụng của diode, biết được diode Schottky…
* Thử Pin:
Thử pin là kiểm tra xem nguồn Pin có còn nhiều điện năng hay đã hết. Muốn vậy người ta dùngphép đo Volt DC có mang tải. Khi Pin yếu, lúc đo Volt DC không tải, chúng ta vẫn thấy có đủ Volt, nhưng khi cho pin mang tải thì sẽ thấy “mất Volt”. Với Pin người ta dùng vạch chia màu xanh ghi là Good, pin còn đủ mạnh, vạch chia màu đỏ ghi là Bad, pin đã yếu. Như vậy khi dùng phép đo Volt DC thông thường đo trên các pin, chúng ta không thể biết chính xác là pin còn mới hay đã dùng nhiều rồi, phải cho pin mang tải, khi mang tải mức áp sụt ít là pin tốt, nếu mức áp giảm mạnh là pin đã yếu.
* Đo HFE:
Với các transistor, quan hệ giữa dòng điện IC trên chân C trên dòng điện IB trên chân B được hiểu là hệ số khuếch đại dòng HFE . Với các transistor công suất nhỏ, hệ số HFE thường từ vài chục đến vài trăm. Khi đo hệ số HFE của các transistor nhỏ, Bạn chuyển về thang đo Rx10, chập 2 đầu kim chỉnh nút Zero Ohm, sau đó cắm transistor vào đúng chân E-B-C và đúng loại NPN hay PNP rồi xem kết quả trên vạch chia hFE. Hệ số HFE còn gọi là hệ số ß, đó là một tham số linh kiện, nói chung tham số này rất phân tán, nghĩa là trên cùng một nhóm các transistor cùng mã số, hệ số ß cũng có khác nhau.
Nhắc Bạn: Khi chọn 2 transistor dùng cho tầng khuếch đại vi sai, Bạn phải chọn 2 transistor cùng mã số, nhưng phải đo hệ số HFE của nó, phải bằng nhau và khi chọn 2 transistor khác loại NPN và PNP dùng cho tầng khuếch đại kéo đẩy, Bạn cũng phải đo kiểm tra hệ số HFE của nó, cũng phải chọn cặp có hệ số khuếch đại dòng bằng nhau.
* Vạch đo độ lợi dB:
Người ta còn dùng phép đo Volt AC để xác định độ lợi công suất của các mạch khuếch đại, kết quả đọc được lấy theo vạch chia db (Deci-Bell). Khi đo công suất của mạch khuếch đại, Bạn phải tuân thủ các qui định sau: Tín hiệu tác động phải có dạng Sin, tần số 50Hz. Công suất tín hiệu ứng với 1VAC đo trên trở kháng 600 Ohm được ghi là 0dB, vậy khi đo công suất trên các ngả ra Bạn cũng phải có trở kháng là 600 Ohm, nếu kim chỉ +10dB, chúng ta nói mạch khuếch đại có độ lợi công suất là 10dB, nếu kết quả đo là -5dB, chúng ta nói mạch làm xuy giảm tín hiệu là -5dB. Ưu điểm của phép đo công suất lấy theo vạch chia deci-bell là độ lợi của các tầng có thể cho cộng lại, độ xuy giảm thì cho trừ bớt.
Cách chọn các thang đo
Để có kết quả đo chính xác, Bạn nên chọn thang đo sao cho kim lệch nằm vào vùng giữa, tránh các vùng có góc lệch quá nhỏ khó đọc được kết quả. Với máy đo SANWA YX-960TR, chung quanh nút xoay chúng ta thấy có các vị trí thang đo như hình sau:
* Thang đo Ohm: Ở thang đo Ohm có các vị trí sau:
Rx1 – Rx10 – Rx100 – Rx1K và Rx10K. Ngoài thang đo Rx10 máy đo dùng nguồn pin 12V, ở các thang đo khác máy đo dùng nguồn pin 3V. Dòng ghi bên dưới các thang đo là dòng điện lớn nhất trên dây đo khi cho 2 đâu cây đo chạm vào nhau. Khi đo hệ số khuếch đại dòng của các transistor, Bạn đặt nút xoay ở vị trí Rx10.
* Thang đo volt DC: Ở thang đo volt DC có các vị trí sau:
0.1 – 0.5 – 2.5 – 10 – 50 – 250 – 1000. Khi đo volt DC Bạn có thể đọc kết quả trên 3 vạch chia: từ 0 đến 10V, từ 0 đến 50V và từ 0 đến 250V. Điện kế này có nội trở là DC 20K/V, như vậy khi đặt thang đo ở vị trí 10, lúc đó nhìn vào 2 dây đo Bạn có điện trở 20Kx10 = 200K. Bạn lấy thang đo càng cao, nội trở của máy đo volt DC sẽ càng lớn, điều này ít làm thay đổi cấu trúc của mạch đo và kết quả đọc được sẽ chính xác hơn.
* Thang đo volt AC:
* Thang đo dòng:
* Dùng lỗ cắm OUTPUT:
* Dùng lỗ cắm 2.5A:
* Dùng lỗ cắm npn/pnp:
Dùng Ohm kế đo kiểm tra các Led.
Chúc bạn học tập hiệu quả!
Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam VATC – Học Để Làm Được