Có thể động cơ ô tô quá nhiệt nếu bạn nhận thấy đèn báo nhiệt độ báo sáng trên bảng taplo, hơi nước bốc lên từ mui xe hoặc kim đo nhiệt độ chỉ tới vạch cao. Lúc này bạn nên kiểm tra ngay hệ thống làm mát và bộ tản nhiệt ô tô mà bạn đang sửa chữa.
Bạn cũng nên khuyên khách hàng/ chủ xe: Khi thấy bất kể dấu hiệu quá nhiệt nào ở động cơ cũng đều là vấn đề nghiêm trọng. Vậy nên, giải pháp tức thời ở thời điểm phát hiện điều này đó là dừng xe và tắt động cơ. Việc điều khiển một chiếc xe với động cơ quá nóng có thể dẫn tới hư hỏng nhiều bộ phận như: nứt nắp máy, trục cam, van và piston.
Vậy dưới đây chúng tôi sẽ nêu ra một số lý do khiến động cơ bị quá nhiệt, từ đó giúp các bạn đọc có thêm những kinh nghiệm trong việc sửa chữa ô tô và tư vấn cho khách hàng.
Một số lý do khiến động cơ ô tô quá nhiệt
Động cơ ô tô bị quá nhiệt có rất nhiều nguyên nhân, vì vậy mà bạn phải tìm hiểu đầy đủ các nguyên nhân để kiểm tra chúng một cách tổng quan nhất. Ngay dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến động cơ bị quá nhiệt:
-
Nguyên nhân do nước làm mát động cơ
Mức nước làm mát ở mức thấp do không được đổ thêm, khi bảo dưỡng định kỳ hoặc do xuất hiện sự rò rỉ trong bộ tản nhiệt. Nước làm mát tuần hoàn bên trong động cơ, và sự rò rỉ có thể xảy ra bên trong động cơ hoặc từ ống dẫn nước hay bơm nước làm mát, làm cho động cơ ô tô quá nhiệt.
Ngoài ra, nước làm mát sử dụng lâu ngày sẽ mất dần tính chất chống ăn mòn, từ đó sinh ra gỉ sét và tắc nghẽn trong hệ thống.
-
Nguyên nhân do van hằng nhiệt ở két nước
Sau một thời gian dài sử dụng, van hằng nhiệt có thể bị tắc nghẽn hay bị kẹt. Điều này khiến cho việc điều khiển lượng nước làm mát lưu thông không được liên tục, hoặc không có, sẽ làm cho động cơ nóng rất nhanh. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Có nên bỏ van hằng nhiệt hay không?
-
Nguyên nhân động cơ ô tô quá nhiệt do hệ thống tản nhiệt động cơ
Có thể ngay lúc này, quạt làm mát động cơ gặp vấn đề, hoặc bề mặt các lá thép của bộ tản nhiệt bị phủ quá nhiều những mảnh vụn khiến lượng không khí nóng không thể thoát ra ngoài nhanh được.
Ngoài ra, nắp bộ tản nhiệt cũng là nguyên nhân làm cho động cơ bị quá nhiệt. Khi nắp bộ tản nhiệt bị mòn sẽ làm mất đi khả năng duy trì áp suất trong hệ thống làm mát. Ở bài trước, trung tâm VATC cũng có bài viết chi tiết về: Hướng dẫn kiểm tra áp suất két nước ô tô tổng quan.
-
Các nguyên nhân khiến động cơ ô tô quá nhiệt khác
Khi kiểm tra hệ thống làm mát theo 3 điều trên mà vẫn không phải là nguyên nhân làm cho động cơ ô tô quá nhiệt. Các bạn có thể tham khảo thêm những nguyên nhân khác khiến động cơ quá nhiệt như sau:
- Ron nắp máy hư khiến nước làm mát rò rỉ và bị đốt cháy bởi nhiệt độ của động cơ khi lọt vào buồng đốt.
- Bơm nước không hoạt động, dây đai dẫn động bị trượt hoặc bị đứt nên không bơm đủ lượng nước làm mát.
- Động cơ thường xuyên phải làm việc quá tải, do chở hàng nặng hơn tải trọng cho phép hoặc thường xuyên chạy xe trong điều kiện khắc nghiệt.
Đa phần động cơ ô tô quá nhiệt nguyên nhân đều liên quan đến hệ thống làm mát. Vậy nên, bạn nên khuyên khách hàng kiểm tra nước làm mát thường xuyên, điều này sẽ giúp bạn hạn chế được những hư hỏng nặng ở động cơ. Chúc các bạn có những kiến thức hay về sự cố trên hệ thống làm mát và bộ tản nhiệt.
Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam VATC
Địa chỉ: số 50 đường 12, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM
Điện thoại: 0945711717
Nguồn: oto-hui.com