MAP sensor – Cảm biến áp suất đường ống nạp, một cảm biến tín hiệu quan trọng trong việc vận hành của động cơ. Hôm nay, Trung Tấm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam – VATC cùng các bạn tìm hiểu cảm biến quan trọng này nhé. Bắt đầu thôi!
- Chức năng – nhiệm vụ
Cảm biến áp suất có nhiệm vụ cung cấp tín hiệu áp suất chân không dưới dạng điện áp hoặc tần số về bộ xử lý trung tâm để tính toán lượng nhiên liệu cần cung cấp cho động cơ. Khi xe ở chế độ không tải hoặc nhả ga, áp suất chân không giảm. Ngược lại, khi tăng tốc hoặc tải nặng, áp suất chân không tăng lên.
Khi xe không có cảm biến MAP, động cơ sẽ nổ không êm, công suất động cơ kém, tốn nhiên liệu và xe thải ra nhiều khói.
- Nguyên lý hoạt động
Cảm biến áp suất đường ống nạp cảm nhận áp suất đường ống nạp bằng một IC lắp trong cảm biến và phát ra tín hiệu PIM. ECU động cơ quyết định khoản thời gian phun nhiên liệu cơ bản và góc đánh lửa sớm cơ bản dựa vào tín hiệu PIM này.
Một chip silicon gắn liền với buồng chân không được duy trì độ chân không chuẩn, tất cả được đặt trong bộ cảm biến. Một phía của chip tiếp xúc với áp suất đường ống nạp, phía khia tiếp xúc với độ chân không trong buồng chân không.
Áp suất đường ống nạp thay đổi làm hình dạng của chip silicon thay đổi và giá trị điện trở của nó cũng dao động theo mức độ biến dạng.
Sự dao động của giá trị điện trở này được chuyển hóa thành một tín hiệu điện áp nhờ IC lắp bên trong cảm biến và sau đó được gửi đến ECU động cơ ở cực PIM dùng làm tín hiệu áp suất đường ống nạp. Cực VC của ECU động cơ cấp nguồn không đổi 5V đến IC.
- Cấu tạo
Cảm biến áp suất đường ống nạp được cấu tạo từ một buồng chân không có gắn một con chip silicon, lưới lọc, đường ống dẫn và giắc cắm.
- Các thông số kỹ thuật
- Nguồn cấp không đổi cho cảm biến là 5V
- Áp suất trong buồng chân không gần như là tuyệt đối và nó không bị ảnh hưởng bởi sự dao động của khí quyển, khi độ cao thay đổi.
- Sơ đồ mạch điện
Cảm biến áp suất đường ống nạp có 3 chân, 1 chân nhận nguồn 5V – VC, 1 chân mass E2 và 1 chân tín hiệu PIM.
- Cách kiểm tra
- Kiểm tra điện áp nguồn
(1) Ngắt giắc nối của cảm biến.
(2) Bật khóa điện ON.
(3) Dùng một vôn kế, hãy đo điện áp giữa các cực VC và E2 của giắc nối phía dây điện.
Điện áp tiêu chuẩn: 4.5 – 5.5V.
Nếu kết quả không như tiêu chuẩn, hãy kiểm tra dây điện hoặc ECM.
(4) Tắt khóa điện.
(5) Nối giắc nối của cảm biến áp suất.
- Kiểm tra cấp nguồn
(1) Bật khóa điện ON.
(2) Ngắt ống chân không ra khỏi bộ cảm biến áp suất.
(3) Nối vôn kế với các cực PIM của các giắc nối của ECM và đo điện áp ra dưới áp suất khí quyển.
(4) Cấp chân không vào cảm biến áp suất mỗi lần thêm 100 mmHg cho đến khi áp suất lên đến 300 mmHg.
(5) Đo sự sụt áp từ bước 3 cho mỗi lần đo.
(6) Dùng đồng hồ đo áp suất, cấp áp suất mỗi lần tăng lên 0,2 kgf/cm2 vào cảm biến áp suất cho đến khi áp suất lên đến 1,0 kgf/cm2.
(7) Đo sự tăng áp từ bước 6 cho mỗi lần đo.
- Vị trí lắp đặt
Cảm biến áp suất đường ống nạp thường được gắn tại đường khí nạp ở cổ hút.
- Các triệu chứng hư hỏng thường gặp
Khi cảm biến này bị hư hỏng, xe sẽ có các dấu hiệu như: Sáng đèn CHECK ENGINE và báo lỗi MAP sensor, động cơ nổ không êm, công suất động cơ kém, tốn nhiên liệu, xe nhiều khói.
- Các hư hỏng thực tế
– Ống chân không nối với cảm biến MAP bị tuột/tắc (MAP sensor vacuum hose disconnected or plugged).
– Hỏng cảm biến MAP.
– Hỏng cảm biến góc bướm ga TPS.
– Tiếp xúc, đầu nối với cảm biến MAP hỏng.
– Tiếp xúc, đầu nối với cảm biến góc bướm ga TPS hỏng.
– Hỏng dây tín hiệu.
– Chập mạch tín hiệu của cảm biến MAP (Short to reference voltage on signal circuit of MAP sensor).
– Mất nối đất cho cảm biến MAP hoặc TPS (Loss of ground to MAP sensor or TPS).
– Bị hở mạch tín hiệu cảm biến MAP (Open on signal circuit of MAP sensor).
– Hỏng PCM.
Chúc bạn học tập hiệu quả!
Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam VATC – Học Để Làm Được